Trong khi hai bản Pro cháy hàng, bị nâng giá trên thị trường chợ đen, iPhone 14 và 14 Plus lại ế ẩm, phải giảm giá ngay khi mở bán.
Ngày 14/10, bốn mẫu iPhone 14 bắt đầu được bán chính hãng tại Việt Nam. Một hệ thống bán lẻ tiết lộ, trong tổng số điện thoại được Apple phân bổ tới các đại lý, có 60% là iPhone 14 Pro và 14 Pro Max, còn 40% là iPhone 14 và 14 Plus. Mối quan tâm của người dùng Việt Nam đang đổ dồn vào dòng Pro, khiến nhiều cửa hàng phải tìm cách “giải phóng” số iPhone 14 tồn trong kho.
iPhone 14 và 14 Plus giảm giá
Khi mới mở bán, iPhone 14 có giá khởi điểm 25 triệu đồng còn 14 Plus là từ 28 triệu đồng. Chỉ sau ba ngày có mặt trên thị trường, các đại lý đang đồng loạt hạ giá niêm yết của hai sản phẩm từ 1 triệu đến 4 triệu đồng.
Ví dụ, tại F.Studio hay TopZone, bộ đôi đang được bán giá 24 triệu và 27 triệu đồng, còn tại CellphoneS là 23 triệu và 26 triệu đồng. Hai hệ thống ShopDunk và Hoàng Hà Mobile thậm chí đưa ra mức từ 21,5 triệu và 24,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh sản phẩm Apple, dù được điều chỉnh mạnh, iPhone 14 bản tiêu chuẩn vẫn khó thu hút do không khác biệt so với iPhone 13 về ngoại hình và hiệu năng, trong khi giá của thế hệ cũ thấp hơn 3-4 triệu đồng. Phiên bản 14 Plus được nhận định còn khó tiêu thụ hơn trong ít nhất ba tháng tới, khi mẫu iPhone 13 Pro Max vẫn còn phổ biến.
Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện chuỗi ShopDunk, cho biết ngay từ khi cho đăng ký thông tin và đặt hàng, tỷ lệ người dùng quan tâm tới iPhone 14 chỉ dưới 5% còn 14 Plus chưa đến 2%.
iPhone 14 Pro và 14 Pro Max khan hàng
Ở chiều ngược lại, iPhone 14 Pro và Pro Max “chiếm sóng” hoàn toàn trong bốn ngày mở bán tại các hệ thống bán lẻ. Toàn bộ các phiên bản Pro Max với các lựa chọn dung lượng, màu sắc đều hết hàng, thậm chí không đủ máy giao cho khách hàng đặt trước. Phiên bản Pro cũng “cháy” dung lượng 128 hay 256 GB, chỉ một số ít cửa hàng còn bản 512 GB hay 1 TB.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, người đặt mua iPhone 14 Pro Max và 14 Pro bản dung lượng thấp phải chờ sang tháng 11 mới có thể nhận máy. “Nếu không đặt trước và muốn mua trực tiếp tại cửa hàng, khách có thể phải đợi sang tháng 12”, ông Huy nói.
Năm nay, các hệ thống đều làm chặt việc đề nghị người mua bóc seal và kích hoạt iPhone 14 tại cửa hàng. Một trong hai lý do lớn nhất là để ngăn tình trạng đầu cơ, đẩy giá trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thể hạn chế tình trạng máy chính hãng được rao bán lại với giá cao hơn 1-4 triệu đồng so với giá niêm yết.
Chiến lược ‘ép’ doanh số của Apple
Apple không áp giá trần hay doanh số iPhone đối với các hệ thống bán lẻ. Thay vào đó, họ theo dõi số máy được kích hoạt. “Tỷ lệ kích hoạt máy thành công so với tổng sản phẩm mà đại lý nhập là tiêu chí quan trọng để Apple đánh giá năng lực của từng hệ thống”, bà Trần Minh Anh, phụ trách marketing tại Viettel Store, giải thích. Từ các thông số này, Apple sẽ điều chỉnh việc phân bổ hàng hóa, mức độ ưu tiên với từng hệ thống cho các lần nhập hàng tiếp theo. Hệ thống nào bán được ít, tồn kho nhiều sẽ bị hạn chế, thậm chí bị ngừng cung cấp.
Apple thường bán hàng theo dạng “bia kèm lạc”, tức để được phân bổ các mẫu điện thoại “hot” như 14 Pro và 14 Pro Max, các đại lý phải nhập cả iPhone 14 và 14 Plus. Bằng cách đó, Apple buộc các hệ thống ủy quyền của mình phải chạy đua, tìm cách giảm số hàng tồn kho, nâng tỷ lệ kích hoạt thành công.
Lúc này, giảm giá là cách đơn giản và dễ nhất. Không chỉ điều chỉnh giá bộ đôi iPhone 14, một số đại lý còn hạ giá cả bản dung lượng lớn của dòng Pro. Trong khi iPhone 14 Pro và Pro Max dung lượng 128 GB và 256 GB đang thiếu hàng, bản 512 GB và 1 TB vẫn có sẵn, thậm chí được các hệ thống như Minh Tuấn Mobile, Hoàng Hà Mobile, CellphoneS và ShopDunk giảm khoảng ba triệu đồng so với ngày mở bán.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, đại diện hệ thống Minh Tuấn Mobile, cho biết nhu cầu của người dùng chỉ tập trung vào dòng Pro, do đó việc điều chỉnh giá dù mới bán ra là cần thiết để kích cầu người mua.