Chuyên gia cho rằng cần cấm phụ huynh thu chi, trong khi nhiều phụ huynh mong muốn phải minh bạch, công khai quỹ hội.
Có hai con học tiểu học tại một trường ở quận Hà Đông, Hà Nội, suốt bốn năm qua, chị Mai Ngọc Anh đã quen với hoạt động của ban phụ huynh. Tại buổi họp đầu năm, lớp sẽ bầu ra ban đại diện khoảng 3-4 người, sau đó nộp quỹ 1 triệu đồng, thiếu sẽ đóng tiếp.
Chị Ngọc Anh cho biết ban phụ huynh lớp là đầu mối truyền đạt thông tin của cô giáo và nhà trường; là người đại diện cha mẹ học sinh trong các công việc “ngoại giao”. Hội phụ huynh lớp cũng sẽ đứng ra tổ chức sự kiện, trang trí lớp học, mua đồ ăn, quà tặng hay phần thưởng cho các con trong những ngày đặc biệt. Hội trưởng có khi còn là người hòa giải khi phụ huynh bất đồng về một khoản thu, chi nào đó.
“Đây là những hoạt động phổ biến của ban phụ huynh hiện nay, đặc biệt các trường công”, chị Ngọc Anh nói.
Không vận hành theo mô hình một nhóm người đại diện, lớp của con gái chị Nguyễn Hương Chi ở một trường dân lập tại TP HCM chia thành các ba, chẳng hạn ban sự kiện, ban tài chính, ban trang trí. Tất cả phụ huynh trong lớp được chia vào các ban này, rồi đổi luân phiên từng năm. Hội phụ huynh lớp gồm đại diện từ các ban này.
Đầu năm học, ban tài chính sẽ lên kế hoạch chi tiêu cho các sự kiện, dã ngoại, đồ trang trí lớp, quà tặng sinh nhật và dự kiến chi phí. Sau mỗi kỳ, ban này gửi tổng kết qua file excel hoặc in ra phát cho từng phụ huynh. Các dịp lễ, Tết, ban sự kiện chịu trách nhiệm mua sắm đồ, trang trí và tổ chức cho các con.
“Việc này nhằm chia đều trách nhiệm và công việc cho các bố, mẹ. Ai cũng được tham gia và có ý kiến”, chị Chi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định vai trò quan trọng của ban phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có riêng Thông tư 55 năm 2011 quy định về điều lệ hoạt động của ban này. Theo ông Hiếu, ban phụ huynh ở nhiều trường, lớp đã làm tốt vai trò theo hướng dẫn của Bộ.
Ngoài ra, ông Hiếu nói cần nhìn nhận thực tế rằng ngân sách nhà nước chỉ đủ để trường công lập trang bị nhu cầu cơ bản. Do đó, sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh là một nguồn xã hội hóa quan trọng.
Dù vậy, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập tại Hà Nội, nhận định việc quản lý và giám sát hoạt động của ban này không dễ, nhất là với những trường có trên 40 lớp học.
“Tôi chủ trương phụ huynh đóng góp về phần sức, trí lực, còn kinh phí cho cơ sở vật chất, các hoạt động sẽ tìm nguồn xã hội hóa bên ngoài”, hiệu trưởng nói. Đầu năm học, cô thường yêu cầu ban phụ huynh từng lớp gửi bản dự trù tài chính kèm mức thu dự tính cho từng hoạt động. Lớp nào lên kế hoạch cho các hoạt động khác biệt hoặc cần nhiều chi phí, bà sẽ xem xét kỹ hơn, nếu không hợp lý sẽ yêu cầu dừng.
Theo cô, ngoài các quy định công khai, rõ ràng, người quản lý cần có “giám sát mềm”. Không phải kế hoạch nào phụ huynh cũng chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, do đó nắm thông tin từ giáo viên chỉ là một phần. Nữ hiệu trưởng thường nhờ một số phụ huynh thân thiết chia sẻ các vấn đề, khúc mắc, từ đó cân nhắc điều chỉnh hoặc hỗ trợ.
Chị Ngọc Anh cho rằng tranh cãi xảy ra với ban phụ huynh thường xuất phát từ vấn đề tài chính. Do đó, ban đại diện cha mẹ học sinh muốn hoạt động hiệu quả, ngoài sự giám sát của trường còn cần sự minh bạch, công khai. Lớp con chị có hơn 50 học sinh nên không tránh khỏi mỗi người một ý. Ban đại diện phụ huynh thường công khai các khoản thu, chi trong nhóm Zalo lớp và có bảng kê rõ ràng gửi phụ huynh cuối mỗi kỳ.
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương đồng ý với việc ban phụ huynh có giá trị riêng nhưng cần có luật cấm thu, chi. Nhiệm vụ chính của ban phụ huynh là kết nối, phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm. Bà Hương nói thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới việc ban đại diện cha mẹ học sinh, điển hình vụ phụ huynh công kích người đóng quỹ tại TP HCM.
Hội phụ huynh học sinh không nên lấy lý do quà cho các cô để thu quỹ rồi đại diện cả lớp đi tặng, trong khi không phải tất cả đều muốn tặng. Bà Hương đặt câu hỏi tại sao phụ huynh lại có quyền lập quỹ trong khi các quy định tài chính của nhà nước yêu cầu phải có báo cáo tài chính. Việc thu, chi không có báo cáo tài chính đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc cho các phụ huynh.
“Khi xảy ra nhiều sự cố mà không có sự can thiệp theo hướng cấm hoặc có luật thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cấm tuyệt đối ban phụ huynh can thiệp vào thu, chi”, tiến sĩ Hương nói.